Trang chủ > Tin tức > Sản xuất phân bón châu âu trước những thuận lợi và thách thức mới

Sản xuất phân bón châu âu trước những thuận lợi và thách thức mới

09/09/2020

Ngành sản xuất phân bón châu âu đang tiếp tục phát triển trong bối cảnh các quy định pháp lý về sản xuất và sử dụng phân bón ngày càng thắt chặt, trợ cấp mua phân bón cho nông dân bị cắt giảm và nhiều nông dân đang chuyển hướng theo xu thế sản xuất hữu cơ. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà sản xuất ngày càng trở nên nặng nề hơn.

 

Sản xuất phân đạm

 

Công suất phân đạm tại châu âu hiện đạt khoảng 21 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất phân đạm nằm trải rộng trên 17 nước khác nhau, trong đó Đức, Ba Lan, Hà Lan và Rumani chiếm hơn một nửa sản lượng.

Năm 2017, các nước Tây Âu và Đông Âu đã sản xuất 14,5 triệu tấn phân đạm. Tiêu thụ phân đạm trong khối EU đạt khoảng 11,4 triệu tấn/năm, chủ yếu ở dạng amoni nitrat (AN). Cho đến gần đây, các nhà sản xuất amoniăc châu âu đã phải chịu chi phí nhiên liệu và năng lượng tương đối cao, nhưng giá khí thiên nhiên đã giảm mạnh trong những năm qua, một phần do nguồn cung khí hóa lỏng mới từ Bắc Mỹ và Nga. Giá khí thiên nhiên tại châu âu có triển vọng sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai gần do đường ống dẫn khí thiên nhiên Nord Stream 2 của Nga sắp được đưa vào vận hành và sẽ bổ sung thêm 50 tỉ m3 vào nguồn cung khí hàng năm.

Tháng 5-2019, Công ty ANWIL đã bắt đầu xây dựng 3 xưởng mới ở Tổ hợp hóa chất tại Wloclawek, Ba Lan. Trong đó có một xưởng axit nitric 1200 tấn/ngày, một xưởng dung dịch AN và một xưởng tạo hạt trống quay. Các xưởng mới sẽ cho phép Tổ hợp sử dụng công suất amoniăc dự phòng để sản xuất phân bón cho thị trường trong nước. Khi các xưởng mới đi vào vận hành năm 2022, tổng công suất phân bón của Tổ hợp sẽ tăng từ 966.000 tấn/năm lên 1,46 triệu tấn/năm.

Tháng 6-2019, Tập đoàn EuroChem tại Thụy Sĩ đã khánh thành nhà máy amoniăc mới ở Kingisepp, Nga. Nhà máy này có vốn đầu tư 1 tỉ USD và công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm. Sản lượng của nhà máy sẽ được các nhà máy sản xuất phân trộn của EuroChem tại châu âu và Nga sử dụng.

 

Sản xuất phân lân

 

Ngành nông nghiệp EU tiêu thụ mỗi năm khoảng 1,3 triệu tấn phân lân. Ngoại trừ một số mỏ nhỏ ở Phần Lan, châu âu không có các mỏ quặng phốtphat có hiệu quả kinh tế. Thành phần quan trọng này của phân bón phải được nhập khẩu từ Marốc, Nga và các nước khác, sau đó phối trộn thành phân bón NPK. Hiện EU nhập khẩu hơn 6 triệu tấn quặng phốtphat mỗi năm.

Công ty ICI Fertilizers tại Ixraen, nhà cung ứng phân lân quan trọng cho EU, đã công bố ý định thay thế đến 15% quặng phốtphat đang sử dụng bằng phốtphat thu hồi từ nước thải, tro và các nguồn bền vững khác.

Tháng 11-2018, EU đã công bố quy định giới hạn hàm lượng cadmi trong phân bón ở mức 60 mg/kg với hy vọng sẽ thúc đẩy việc sử dụng phân bón hữu cơ. Cadmi là kim loại nặng có mặt trong phần lớn các loại quặng phốtphat và có nguy cơ độc hại đối với sức khỏe cũng như môi trường.

Công ty Phosgro của Nga và Công ty Yara của Na Uy hiện đang khai thác những mỏ quặng phốtphat với hàm lượng cadmi thấp, trong khi đó Marốc và Tuynidi sở hữu những mỏ với hàm lượng cadmi vượt quá mức giới hạn.

Ngành công nghiệp phân bón EU cho rằng giới hạn 60 mg/kg là quá khắc nghiệt. Theo Hiệp hội Phân bón châu Âu, nếu áp dụng quy định này hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân bón sẽ giảm.

Công nghiệp Hóa chất số 7/2020

Phân bón Thành Đô Lâm Đồng

Phân bón Thành Đô Doanh Nông NPK + Đất hiếm TH Đak Lak