Trang chủ > Tin tức > ​Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón

​Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phân bón

13/12/2019


Cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về phân bón đã cơ bản hoàn thiện và đồng bộ.

Tại Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón hướng dẫn Luật Trồng trọt thay thế cho Nghị định 108 ban hành ngày 20/9/2017 vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định được điều chỉnh theo hướng rút gọn, đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
 

Đồng bộ các thủ tục hành chính
Như vậy, cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước về phân bón đã cơ bản hoàn thiện và đồng bộ, các văn bản này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, bao gồm Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018.

Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón hướng dẫn thi hành một số điều tại chương Phân bón, Luật Trồng trọt 2018.

Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-189:2019/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/8/2019 của Bộ NN-PTNT.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP trong chương Phân bón có một số nội dung liên quan tới quy định thủ tục hành chính mới nên Cục BVTV đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần chú ý để chủ động có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định về phân bón của Luật Trồng trọt, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP và QCVN 01-189:2019/BNNPTNT cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực phân bón trong địa bàn quản lý được biết.

Tiến hành niêm yết công khai những nội dung quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền thực hiện trong Nghị định số 84/2019/NĐ-CP tại nơi tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của chi cục.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón đăng ký lưu hành, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, quảng cáo phân bón… nghiên cứu quy định về phân bón của Luật Trồng trọt, Nghị định 84/2019/NĐ-CP, QCVN 01-189:2019/BNNPTNT và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
 

Những nội dung mới cần lưu ý
Theo Nghị định số 84, phân bón được phân loại theo nguồn gốc nguyên liệu gồm phân bón hóa học, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học và phân loại theo phương thức sử dụng gồm phân bón rễ, phân bón. Việc phân loại chi tiết và giải thích từ ngữ chi tiết về các chỉ tiêu chất lượng quy định tại QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT.

Về quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nếu đã được cấp trước ngày 01/01/2020 được sử dụng cho đến hết thời hạn lưu hành ghi trong quyết định. Trước khi hết thời hạn lưu hành 3 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn.

Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nộp trước ngày 01/01/2020 nhưng chưa được cấp thì giải quyết theo quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP. Việc phân loại chi tiết phân bón để công nhận lưu hành thực hiện theo QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT.

Loại phân bón, thành phần, tên thành phần trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được cấp trước ngày 01/01/2020 chưa phù hợp với quy định tại QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT được tiếp tục áp dụng Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP làm căn cứ để chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phân bón cho đến khi hết thời hạn ghi trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành.

Hoặc các tổ chức, cá nhân đề nghị Cục BVTV xem xét, điều chỉnh loại phân bón, thành phần, tên thành phần của phân bón cho phù hợp với QCVN 01-189: 2019/BNNPTNT, từ đó thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định của quy chuẩn này.

Với giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, được cấp trước ngày 01/01/2020 được sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực ghi trong Giấy chứng nhận. Giấy phép sản xuất phân bón cấp trước ngày 20/9/2017 có hiệu lực đến ngày 20/9/2022. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón là Cục BVTV.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 5 Điều 26 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP là cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương. Đối với các cơ sở sản xuất phân bón nếu buôn bán phân bón do mình sản xuất ra thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.


Chế độ miễn giảm kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu được quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 84/2019/NĐ-CP: thời hạn miễn giảm kiểm tra là 12 tháng, tần suất lấy mẫu kiểm tra chất lượng tối đa 20% trong vòng một năm do cơ quan kiểm tra lựa chọn ngẫu nhiên; hồ sơ và trình tự đề nghị miễn giảm thực hiện theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và 154/2018/NĐ-CP.
 

Về giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2020 (do Luật Trồng trọt không có quy định chuyển tiếp), Cục BVTV đã ban hành Công văn số 3010/BVTV-TTPC ngày 04/11/2019 đôn đốc các chi cục đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận.


Thẩm quyền quyết định áp dụng chế độ miễn giảm hoặc ngừng áp dụng chế độ miễn giảm là Cục BVTV. Các đơn vị được Cục BVTV ủy quyền kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu phải là các tổ chức chứng nhận hợp quy có phòng thử nghiệm đáp ứng quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Quy trình lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ công tác quản lý nhà nước, đối với loại phân bón chưa có Tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu thì tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón phải xây dựng phương pháp lấy mẫu đối với phân bón này và được Cục BVTV phê duyệt trong thời hạn 20 ngày làm việc.

Trường hợp phương pháp thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng phân bón, các yếu tố hạn chế trong phân bón chưa được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Cục BVTV phê duyệt phương pháp thử để áp dụng.

Về quy định chuyển tiếp, Nghị định 84 liệt kê rõ 7 nội dung chuyển tiếp được quy định cụ thể tại Điều 27 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP
 

Quy định về Quảng cáo phân bón

Tại Điều 24 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP nêu rõ, văn bản xác nhận nội dung quảng cáo có giá trị trên phạm vi toàn quốc. Hiệu lực văn bản xác nhận nội dung quảng cáo ghi theo hiệu lực của Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Đối với hình thức quảng cáo hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện trước khi tiến hành quảng cáo ít nhất 2 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải có văn bản thông báo với Sở NN-PTNT nơi tổ chức quảng cáo.
Theo báo NNVN
Phân bón Thành Đô Lâm Đồng

Phân bón Thành Đô Doanh Nông NPK + Đất hiếm TH Đak Lak