Trang chủ > Tin Nông Nghiệp > Đề xuất để mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%

Đề xuất để mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%

05/10/2020



Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần đề xuất sửa đổi Luật số 71 của Quốc hội, trong đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) chịu mức 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước.


Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, việc đề xuất sửa đổi luật số 71 của Quốc hội về thuế VAT đối với phân bón để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón hiện đang khó khăn trong cạnh tranh với nước ngoài và mang lại lợi nhuận cho người nông dân.


Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.


Trước đó, vào tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng theo chỉ đạo tại Thông báo 80/TB- VPCP ngày 18/6/2020, trong đó cần nêu rõ sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu.


Theo Luật 71/2014/QH13 (Luật 71) phân bón được chuyển từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT.


Nếu thuế GTGT 0%, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ 100% thuế các nguyên liệu đầu vào (quy định trước Luật 71 lấy thuế đầu vào trừ đi 5% thuế GTGT đầu ra, phần dư ra doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào), nhưng nếu phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT, toàn bộ các khoản thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp phân bón như: điện, than, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được khấu trừ.


Việc thay đổi chính sách thuế này, các doanh nghiệp sản xuất nội địa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất, từ đó đội giá sản phẩm phân phối ra thị trường và người nông dân chính là đối tượng chịu thiệt hại.


Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2015, khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Nghịch lý này xuất hiện hoàn toàn ngược lại so kỳ vọng ban đầu của Chính phủ là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.


Nguồn: Taichinhdoanhnghiep.net.vn

Phân bón Thành Đô Lâm Đồng

Phân bón Thành Đô Doanh Nông NPK + Đất hiếm TH Đak Lak